Cam Cao Phong được mùa, được giá

(CTV) - Người dân Cao Phong phấn khởi bước vào vụ cam mới. Cam Cao Phong tiếp tục khẳng định chất lượng và được khách hàng, người tiêu dùng đón nhận, được mùa, giá cũng cao hơn năm trước.

Gia đình anh Phạm Đức Ninh, khu 2, thị trấn Cao Phong có 1 ha cam kinh doanh, dự tính thu khoảng 700 triệu vụ này.

Đưa chúng tôi đi thăm một số gia đình trồng cam ở thị trấn Cao Phong, Phó phòng NN&PTNT Cao Phong Nguyễn Văn Hiến cho giới thiệu: Cam năm nay được mùa, được giá. Thực tế những năm qua cho thấy, nếu làm chủ khoa học kỹ thuật và đầu tư thích đáng, người dân có thể làm giàu tư trồng cam. Do chịu khó đầu tư, vườn cam của gia đình anh Phạm Đức Ninh ở khu 2, thị trấn Cao Phong phát triển tốt, mới vào kinh doanh năm thứ 2 nhưng quả sai kĩu kịt, trái căng tròn mọng nước, thương lái đã đến tận nơi đặt hàng. Ạnh Ninh cho biết: Gia đình anh thuê hàng chục lao động chăm sóc, hái lượm cam. Anh có 3 vườn cam với tổng diện tích khoảng 5 ha, bao gồm các giống cam lòng vàng (V2), cam Canh, trong đó 1 ha cho thu hoạch năm thứ 2. Năm ngoái gia đình anh thu về xấp xỉ 700 triệu. Giá cam canh 32-36.000 đồng/kg, tính trung bình cả vụ là 33.000 đồng. Cam lòng vàng 15-16.000 đồng/kg. Cam V2 giá 35.000 đồng. Năm nay dự tính năng suất cũng đạt 25-30 tấn/ha, thu về cỡ 700 triệu đồng. Vài năm nữa khi tất cả diện tích cam đưa vào kinh doanh sẽ có nguồn thu ổn đình hàng tỷ đồng.

Phó phòng NN&PTNT Cao Phong Nguyễn Văn Hiến cũng trồng tới 10 ha cam, trong đó có 1 ha bước vào kinh doanh. Anh cho biết: Cao Phòng ngày càng xuất hiện nhiều hơn những triệu phú, tỷ phú từ trồng cam. Với giá cả như hiện nay, chắc chắn Cao Phong nhiều gia đình có doanh thu hàng tỷ đồng từ cam, như gia đình Thu- Luyện khu 2 có 7 ha cam, 3 ha vào kinh doanh thu khoảng 2 tỷ đồng; gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, khu 5 có 5 ha cam, dự tính thu hàng trăm tấn tương đương từ 2,5-3 tỷ đồng. Ngoài ra còn có nhiều gia đình có doanh thu tiền tỷ như ông Tạ Đình Đào, Nguyễn Thế Bình, Đinh Công Bình, Phạm Văn Bình, Nguyễn Văn Sơn...

Anh Nguyễn Văn Hiến cho biết thêm: Cam đang mang lại của ăn của để cho người Cao Phong. Cao Phong đang tận dụng và khai thác  hiệu quả nguồn lực đất đai, lao động để phát triển vùng cam hàng hóa. Trung bình đầu tư cho cam thu 70-80 triệu đồng/ha, cả chu kỳ cam thu cỡ khoảng 350-400 triệu đồng/ha.  Như hiện nay chỉ sau khoảng 1 năm thu hoạch sẽ có thể gỡ lại toàn bộ vốn đầu tư. Diện tích, sản lượng cam Cao Phong không ngừng tăng. Riêng năm nay cả huyện đã phát triển đươc 50 ha, nâng tổng diện tích toàn huyện lên trên 700 ha, trong đó có xấp xỉ 400 ha cam kinh doanh. Ước tính sản lượng cỡ 1 vạn tấn. Nếu giá trung bình 13-15.000 đồng/kg, doanh thu đem lại cỡ 130-150 tỷ đồng. Người Cao Phong không chỉ trồng 1 loại cam mà đã mở rộng gần chục giống cây có múi, trong đó tập trung giống có giá trị cao như quýt Ôn Châu, cam Canh, V2… là những sản phẩm được thị trường tiêu thụ mạnh. Thời gian thu hoạch các giống cam cũng được kéo dài bắt đầu tư tháng 7 (âm lịch) đến hết tháng 4 sang năm, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Người trồng cam cũng đã làm chủ khoa học kỹ thuật, tích cực đầu tư nên khiếm khi thất bại vì nguyên nhân chủ quan. Ở Cao Phong dư nợ vốn vay ngân hàng nông nghiệp chiếm tới hơn 80% chủ yếu đầu tư cho trồng mía, cam. Phần lớn người trồng cam trở thành khách hàng uy tín của ngân hàng. Huyện đang phấn đấu phát triển diện tích cam lên 1.000 ha,  phối hợp xây dựng thương hiệu cam Cao Phong, phát triển bền vững vùng cam hàng hóa.

Theo: baohoabinh.com.vn

Các bài liên quan