Chính trị

Ngày 12-09-2014

Huyện Cao Phong: Hiệu quả từ chương trình 135 đối với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(CTV) - Là huyện ở phía Tây - Bắc của tỉnh Hòa Bình, Cao Phong hiện có 43.467 người, trong đó, 70,91% là đồng bào dân tộc Mường. Trong những năm qua, chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là chương trình 135) được triển khai ở 4/12 xã với tổng số 15 thôn, xóm đặc biệt khó khăn (thuộc xã khu vực II) trên địa bàn huyện đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo, từng bước làm đổi thay diện mạo nông thôn và củng cố thêm lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, với Nhà nước.

                                 

Cầu treo xóm Môn, xã Bắc Phong  được nâng cáp, sửa chữa năm 2013 trong tổng mức kinh phí 1,2 tỷ đồng

          Từ năm 2009 đến nay, dự án giảm nghèo của Chính phủ đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông, lớp học, hệ thống thủy lợi,... tập trung cho các vùng đồng bào đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số. 90% vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn được đầu tư công trình giao thông nông thôn. Nếu năm 2008, thu nhập bình quân tính theo đầu người của huyện đạt 8,5 triệu đồng/người/năm thì năm 2013 đã tăng lên 21,7 triệu đồng/người/năm. Tính đến nay, số hộ được sử dụng điện sinh hoạt trên địa bàn huyện đạt 99,2%, số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 86%, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 19,8%. Từ đó, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được cải thiện rõ rệt. Trong 2 năm 2012 - 2013, toàn huyện có 30 công trình được thực hiện bằng vốn của chương trình 135 giai đoạn II với tổng mức kinh phí 10.146.173.600 đồng. Đến nay, chủ đầu tư các cấp đã hoàn tất các thủ tục và giao tuyến cho các đơn vị thi công đạt 100% kế hoạch, tiến độ thực hiện đảm bảo chất lượng các công trình.

          Đồng chí Bùi Hồng Toán, Chủ tịch UBND xã Xuân Phong cho biết: Là xã vùng 135 của huyện Cao Phong, xã Xuân Phong hiện có 785 hộ với 3.337 khẩu, trong đó, 98% là đồng bào dân tộc Mường. Nguồn thu nhập chính của người dân trong xã là từ sản xuất nông nghiệp. Hiện toàn xã gieo trồng được 63 ha lúa, trong đó chủ yếu là diện tích lúa lai. Từ tháng 3/2014, hàng trăm hộ dân các xóm Nhõi 1, Cạn 1, Rú 5,… được hưởng lợi từ nguồn nước của 4 công trình kênh mương Bái, Bưởi, Mòn, Chao phục vụ cho tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp. Công trình nâng cấp hệ thống bai kênh mương này được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách UBND huyện và các nguồn vốn đầu tư khác với tổng giá trị 3 tỷ đồng.

          Cũng là xóm vùng 135, xóm Môn trước năm 2013 “sở hữu” nhiều cái “nhất” của xã Bắc Phong: xóm xa nhất, xóm có tỷ lệ hộ nghèo nhiều nhất của cả xã và xóm duy nhất chưa có bất kỳ một mét đường bê-tông nào, … Nguồn thu nhập chính của bà con là từ trồng mía và chăn nuôi lợn, gà; thu nhập bình quân của người dân dưới 300.000 đồng/người/tháng. Đường xá khó khăn đã cản trở việc giao thương của bà con với bên ngoài. Sản phẩm của bà con làm ra luôn bị tư thương ép giá. Tuy nhiên, mới đây, công trình đường giao thông xóm Môn được hoàn thành với tổng mức kinh phí 1,2 tỷ đồng đã đem đến cơ hội giao thương thuận lợi cho bà con nhân dân trong xóm. Chị Bùi Thị Hơn, một người dân trong xóm phấn khởi cho biết: Được Nhà nước đầu tư sửa chữa cầu xóm Môn và cải tạo tuyến đường chính của xóm, hiện nay, việc đi lại của bà con nhân dân chúng tôi thuận lợi hơn trước rất nhiều. Nhà tôi có hơn 1.200 m2 mía trắng, đến mùa thu hoạch xe tải vào tận nơi thu mua không phải mất công vận chuyển mía ra ngoài trục đường chính như trước đây. Con cái đi học cái chữ cũng bớt vất vả hơn.

          Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ cũng luôn được Phòng Dân tộc huyện Cao Phong thực hiện kịp thời đầy đủ, như: hỗ trợ gạo, dầu hỏa, muối i-ốt, các loại giống lúa, ngô, đậu tương, khoai tây cho hộ nghèo trên địa bàn huyện, góp phần giải quyết về an ninh lương thực và nhu cầu phát triển sản xuất của bà con. Từ đó đã nâng cao chất lượng đời sống và trình độ dân trí của bà con nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Theo chuẩn nghèo mới năm 2013, huyện Cao Phong có 2.257 hộ và 9.048 khẩu ở 12 xã. Năm 2013, Phòng Dân tộc của huyện đã chi bổ sung kinh phí năm 2011 cho 702 khẩu thuộc hộ nghèo 56.160.000 đồng tại 7 xã khu vực II. Các hộ nghèo đăng ký nhận giống cây trồng cho vụ hè thu tại trực tiếp UBND các xã. Trong công tác định canh - định cư, thực hiện Công văn của UBND tỉnh Hòa Bình về dự án định cư tập trung bãi Nghia, xóm Mừng, xã Xuân Phong, Phòng Dân tộc huyện Cao Phong đã phối hợp cùng với Ban Dân tộc của tỉnh rà soát tập trung được 35 hộ. Tính đến thời điểm này, qua rà soát đối tượng hộ đồng bào dânh tộc thiểu số du canh, du cư theo Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 4 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015, trên địa bàn huyện Cao Phong hiện có 55 hộ tâọ trung nhiều ở 2 xã Xuân Phong và Thung Nai.

          Với việc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, trong những năm qua, huyện Cao Phong đã kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Cùng với các chương trình 134 và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình 135 trên địa bàn huyện Cao Phong đã thực sự trở thành “người bạn” sát cánh cùng đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện hỗ trợ, giúp đỡ bà con phát triển sản xuất, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững./.

Minh Tuấn

Các bài liên quan