Văn hóa - Thể thao
Ngày 21-09-2022
MEDDOM, “lâu đài” kết nối giá trị của quá khứ và tương lai
Học sinh trường THPT chuyên, ĐHSP Hà Nội thăm quan các tài liệu, hiện vật của các nhà khoa học được trưng bày tại Bảo tàng di sản các nhà khoa học Việt Nam tại MEDDOM
Bùi Phan Châu Anh là học sinh lớp 11 trường THPT chuyên, Đại học Sư phạm Hà Nội lần đầu tiên cùng thầy, cô và các bạn trong trường đến thăm quan, trải nghiệm tại MEDDOM. Khi bước vào Bảo tàng di sản các nhà khoa học Việt Nam, Châu Anh không khỏi ngạc nhiên trước quy mô và cách bài trí tài liệu, hiện vật, kỷ vật trực quan, sinh động và đầy cuốn hút. Châu Anh không giấu nổi cảm xúc: Đây là lần đầu tiên em được tiếp xúc với những tài liệu, hiện vật, kỷ vật của các nhà khoa học. Bản thân em rất ấn tượng đối với những quyển sổ ghi chép của họ. Em biết họ rất giỏi nhưng em rất ấn tượng ở chỗ chữ họ viết rất đẹp. Họ viết đẹp không phải là để họ đọc mà còn là để truyền cho học sinh của họ. Em nghĩ đây là điều rất đặc biệt ở các nhà khoa học Việt Nam. Họ sống thiếu điều kiện nhưng họ luôn luôn chia sẻ kiến thức của mình. Qua đó, em thấy được rằng, trong khi còn rất khó khăn nhưng các nhà khoa học đã nỗ lực để đạt được những thành tựu to lớn, không chỉ có ảnh hưởng trong nước mà còn cả quốc tế. Từ đó em thấy mình cần phải cố gắng, phấn đấu nhiều hơn trong học tập để mai sau trở thành người có ích cho xã hội.
Châu Anh chỉ là 1 trong hàng nghìn học sinh đã đến và có ấn tượng với Bảo tàng di sản các nhà khoa học Việt Nam nói riêng, MEDDOM nói chung. Bảo tàng chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị một loại hình di sản đặc biệt - Di sản của các nhà khoa học Việt Nam. Và đây không chỉ là môi trường học tập, trải nghiệm đầy hữu ích đối với học sinh, sinh viên. PGS, TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam đánh giá: Tôi nghiên cứu trong ngành khảo cổ học đã 54 năm. Tôi biết chắc chắn một điều không phải ai cũng hiểu hết giá trị của những tài liệu, hiện vật được lưu giữ tại đây. Nhưng đối với thế hệ mai sau tiếp nối công việc của chúng tôi thì Bảo tàng di sản các nhà khoa học Việt Nam rất hữu ích, rất thiết thực. Ngoài những quyển sách tại thư viện quốc gia, đến đây mọi người sẽ có tất cả mọi thứ từ tài liệu, hiện vật, kỷ vật và nhiều thông tin hữu ích khác do đội ngũ hướng dẫn viên của MEDDOM cung cấp. Tôi thấy đó là cái rất hay và hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới có được mô hình này.
MEDDOM được sáng lập dựa trên mong muốn lưu giữ lại những lời phê, bút tích của thầy, cô trên bản luận án của cá nhân GS, TS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí. Năm 2004, ông khi đó là Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã cùng các thành viên sáng lập Tập đoàn Y tế MED Group quyết định tự nguyện đầu tư xây dựng, gánh vác trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản của các nhà khoa học Việt Nam. 2,7 ha đất tại xóm Tiềng, xã Bắc Phong (Cao Phong) là địa điểm được ông lựa chọn để xây dựng Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn di sản tiến sỹ Việt Nam, tiền thân của MEDDOM ngày nay.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí chia sẻ: Sau khi được thành lập, tháng 5/2010, MEDDOM đã tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu hiện vật đầu tiên của GS, TSKH Nguyễn Văn Nhân mở đường cho hàng chục bộ sưu tập tài liệu, hiện vật khác của các nhà khoa học khác như: GS Tôn Thất Tùng, GS Nguyễn Văn Nhân, GS Nguyễn Văn Chiển, GS Đoàn Trọng Truyến, GS Phạm Đức Dương, GS Đặng Huy Huỳnh,… Năm 2011, chúng tôi xuất bản ấn phẩm đầu tiên “Di sản ký ức của nhà khoa học” và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của các nhà khoa học. Qua đó đánh dấu bước phát triển trong hoạt động phát huy giá trị di sản của MEDDOM. Cũng từ đây, chúng tôi mở rộng phạm vi nghiên cứu, sưu tầm vào các tỉnh, thành phía Nam. Việc phát huy mạnh mẽ giá trị di sản các nhà khoa học được chúng tôi triển khai ngày càng bài bản, phong phú hơn, thể hiện bằng dấu mốc khai trương triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật” (tháng 11/2016) tại Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam. Đây cũng là thời điểm đánh dấu Công viên bắt đầu mở cửa đón khách tham quan.
Đến nay, MEDDOM đã tiếp cận và nghiên cứu gần 3.000 nhà khoa học ở tất cả các chuyên ngành, lĩnh vực khoa học; sưu tầm gần 1 triệu tài liệu hiện vật, hàng trăm nghìn phút ghi âm, ghi hình ký ức, câu chuyện của các nhà khoa học Việt Nam. Đây là khối di sản “khổng lồ” có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử cuộc đời các nhà khoa học, lịch sử các ngành, lĩnh vực khoa học, lịch sử giáo dục, chính trị - xã hội… Cũng theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí, thành quả lớn nhất mà MEDDOM đạt được chính là xây dựng được niềm tin gần như là tuyệt đối đối với các nhà khoa học.
Bên cạnh việc sưu tầm, lưu trữ và bảo tồn di sản các nhà khoa học, công tác nghiên cứu, phát huy giá trị của di sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được MEDDOM chú trọng thực hiện. Đến nay, MEDDOM đã xuất bản hàng chục ấn phẩm liên quan đến các nhà khoa học, như các bộ sách: “Di sản ký ức của nhà khoa học”, “Những câu chuyện hiện vật”, “Hồ sơ những hạt giống bí mật”, “Muôn nẻo đường đến thành công”,… Cùng hàng chục buổi trưng bày, triển lãm như: “Khát vọng học hỏi và sáng tạo”, “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”, “Chuyện nghề địa chất”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam”,… đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách thăm quan, tìm hiểu.
Những tài liệu, hiện vật thuộc nhiều lĩnh vực khoa học đã trở thành khối di sản vô giá, minh chứng cho lịch sử phát triển của nền khoa học cũng như lịch sử phát triển của đất nước. Bên cạnh việc cần mẫn sưu tầm, bảo quản cẩn thận tài liệu, hiện vật, MEDDOM còn xác định trách nhiệm phát huy giá trị của các khối di sản đó. Các hoạt động quảng bá, giới thiệu di sản luôn đa dạng, mang những dấu ấn riêng có và khác biệt. Thông qua đó, giá trị di sản đến gần hơn với công chúng hơn bao giờ hết.
Trong không gian mang đậm lịch sử văn hóa của xứ Mường, MEDDOM như một “lâu đài” lưu giữ những giá trị của quá khứ để hướng đến những điều tốt đẹp cho tương lai. Trên hành trình sưu tầm, lưu trữ và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học, MEDDOM luôn nỗ lực để không ngừng nâng cao giá trị của mình với những bước đột phá mạnh mẽ. Tiến sỹ Nguyễn Thanh Hóa, Giám đốc điều hành MEDDOM cho biết: Trong chặng đường sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm để tổ chức trưng bày câu chuyện của các nhà khoa học. Xây dựng ngân hàng dữ liệu và áp dụng các công nghệ của chuyển đổi số để tiến tới đưa các dữ liệu và phục vụ cho khách thăm quan. Thiết kế và xây dựng các hoạt động giáo dục di sản dành cho đa dạng các đối tượng, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, MEDDOM hiện đã phát triển thành tổ hợp di sản, văn hóa, vui chơi, nghỉ dưỡng phù hợp cho mọi đối tượng trong không gian rộng 34 ha (gấp hơn 12 lần so với khi mới thành lập).
Ghi nhận những đóng góp hiệu quả, nhân văn trong công tác nghiên cứu, bảo tồn di sản các nhà khoa học, MEDDOM đã vinh dự được các cấp, các ngành và địa phương tặng nhiều Bằng khen, giấy khen. Điều đó một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò và trách nhiệm của MEDDOM trong hành trình sưu tầm, lưu trữ và bảo tồn di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trên hành trình đó, MEDDOM luôn luôn nhận thức sâu sắc và trung thành với sứ mệnh của mình để hướng đến xây dựng những điều tốt đẹp cho thế hệ tương lai./.
MINH TUẤN